Thời gian tắm là cơ hội tuyệt vời để gắn kết bạn với bé yêu. Thật tuyệt vời khi được nhìn ngắm các bé nghịch nước bắn tung tóe, vui vẻ chìm đắm trong bọt xà phòng và cười khoái trí.
Nhưng … cũng có không ít rủi ro liên quan đến việc tắm cho bé. Đó có thể là những sự việc đơn giản như trẻ ị trong bồn cho đến những tai nạn nghiêm trọng. Thậm chí, việc trẻ bị trơn trượt, ngã và đập đầu đều có thể xảy ra. Đối với trẻ sơ sinh, việc giữ cho mũi, miệng bé ở trên mặt nước hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Vậy nên bạn phải rất cẩn thận, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ 1 – 4 tuổi.
Bạn muốn mang lại thời gian tắm an toàn và thú vị cho cả mẹ và con thì điều quan trọng là bạn phải luôn ở bên bé, chuẩn bị đầy đủ và tắm cho bé thật cẩn thận.
Dưới đây là 9 sai lầm phổ biến của cha mẹ trong thời gian tắm cho trẻ sơ sinh mà vô tình khiến bé gặp nguy hiểm.
Mục lục
Sai lầm thứ nhất : Rời khỏi phòng tắm khi tắm cho trẻ
Bạn không bao giờ nên để trẻ ở lại phòng tắm mà không giám sát, dù là trẻ sơ sinh hay trẻ đã biết đi đều cần được theo dõi liên tục. Một số cha mẹ nghĩ rằng việc để yên cho con mình trong bồn tắm trong một hoặc hai phút là tốt – nhưng không phải vậy.
Ngay cả khi bé 3, 4 hoặc 5 tuổi, bé đều có thể bị trượt và va đập mạnh vào đầu, và tùy thuộc vào lượng nước trong bồn, bé có thể bị chết đuối.
Sai lầm thứ 2: Không chuẩn bị sẵn sàng khi tắm cho trẻ
Bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ tất cả những vật dụng cần để không cần phải rời khỏi phòng tắm khi đang tắm cho bé. Những thứ bạn cần phải chuẩn bị là: khăn tắm, bọt biển, sữa tắm cho bé, đồ chơi – có rất nhiều thứ cần thiết để sử dụng trong thời gian tắm cho bé và cố gắng đừng quên điều gì.
Ngoài ra bạn nên tắt chuông cửa, điện thoại để không bị phân tâm khi tắm cho bé, điều này rất nguy hiểm mà cha mẹ thường bỏ qua.
Sai lầm thứ 3: Quên kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ
Trẻ nhỏ, và đặc biệt là trẻ sơ sinh, nhạy cảm với nóng và lạnh hơn chúng ta, vì vậy hãy hết sức thận trọng trước khi bạn đặt bé vào bồn tắm. Để tránh da trẻ bị bỏng hoặc lạnh quá, hãy pha nước ấm. Nếu bạn có thể kiểm soát máy nước nóng của mình, hãy đặt nó ở nhiệt độ không quá 37 độ C. Nếu bạn không kiểm soát được, hãy bật vòi nước ở nhiệt độ trung bình trước, sau đó tăng dần nhiệt độ lên.
Khi nước đã đầy, bạn hãy nhớ kiểm tra nhiệt độ nước bằng cổ tay hoặc khuỷu tay của bạn, vì những bộ phận này nhạy cảm với nhiệt hơn ngón tay của bạn.
Đối với trẻ mới biết đi, hãy kiểm tra xem bé có khả năng bật nước nóng hay không, vì nếu bé có thể, đó là một rủi ro.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không có một lý do nào để bạn quay lưng lại với bé dù chỉ một giây.
Sai lầm thứ 4: Đổ nước quá đầy chậu tắm
Một số cha mẹ mới nghĩ rằng nên đổ nước đầy chậu tắm vì nó sẽ giữ ấm cho trẻ. Nhưng quá nhiều nước sẽ làm tăng nguy cơ chết đuối, điều này có thể xảy ra chỉ trong vài phút. Đối với trẻ sơ sinh, hãy giữ mực nước ở mức 5cm. Nếu bé biết đi, 7-10cm là đủ.
Khi bé lớn lên bạn có thể thay đổi mức nước phù hợp với kích thước cơ thể bé. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, chiếc chậu tắm được đổ đầy nửa chừng là đủ sâu để trẻ ở lứa tuổi nào cũng có thể chết đuối.
Sai lầm thứ 5: Sử dụng ghế ngồi trong bồn tắm
Mặc dù ghế tắm có vẻ an toàn nhưng chúng có thể lật úp, có khả năng khiến mặt bé bị ngập trong nước. Bạn không nên đặt bé dưới một tuổi ngồi vào ghế, chỉ có vòng tay bạn đỡ bé là an toàn nhất.
Sai lầm thứ 6: Bỏ qua bước bảo vệ khi tắm cho trẻ trong bồn tắm
Đáy bồn có thể trơn trượt, gây nguy hiểm thực sự cho các bé. Trẻ mới biết đi liên tục khuỵu xuống, nhất là khi bồn tắm cho nước xà phòng sẽ rất trơn.
Hãy chuẩn bị thảm nhựa chống trượt dưới đáy bồn tắm để đảm bảo an toàn cho bé.
Bạn cũng nên chú ý đến vòi nước, vì trẻ rất dễ va đầu hoặc cơ thể vào phần vòi nhô ra này. Vậy nên hãy dùng miếng cao su mềm để che vòi nước khi tắm cho bé.
Sai lầm thứ 7: Sử dụng sữa tắm có nhiều hóa chất cho trẻ
Xà phòng và dầu gội đầu có thể làm cay mắt trẻ em, và nếu chúng chứa đầy hóa chất hoặc tinh dầu mạnh, chúng có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm của trẻ.
Bạn nên sử dụng xà phòng rất nhẹ nhàng và thân thiện với trẻ em. Bạn cũng không cần phải sử dụng nhiều xà phòng. Việc không tắm hết xà phòng trên cơ thể bé sẽ làm hại da bé, làm da bé khô và dễ bị viêm.
Nếu có thể, mẹ nên lựa chọn nước tắm thảo dược để tắm cho bé. Thành phần dịu nhẹ của thảo dược tự nhiên không làm cay mắt bé mà vẫn giúp làm sạch da bé. Hương thơm tự nhiên của thảo dược sau khi tắm sẽ lưu lại trên da bé, giúp đuổi côn trùng và cho bé giấc ngủ sâu.
Sai lầm thứ 8: Để đồ chơi tắm, bọt biển bị ẩm mốc
Vật dụng hay đồ chơi hút nước có thể gây nguy hiểm thật sự cho trẻ sau một vài lần sử dụng. Một loại vi khuẩn truyền nhiễm được gọi là Pseudomonas có thể phát triển bên trong những món đồ chơi này, chẳng hạn như những con vịt cao su có vảy.
Bạn cần cố gắng xả hết nước sau mỗi lần tắm để nước không đọng lại trong đồ chơi của bé và ngăn việc vi khuẩn – hoặc nấm mốc – phát triển.
Bọt biển, bông tắm và khăn cũng cần phải giặt sạch và phơi khô để đảm bảo an toàn cho bé.
Sai lầm thứ 9: Tắm cho trẻ sơ sinh quá lâu hoặc quá thường xuyên.
Ngay cả khi bé yêu của bạn thích nước, việc để bé ngâm mình trong nước quá lâu có thể làm khô da và tệ hơn là gây tăng thân nhiệt.
Bạn nên giữ thời gian tắm từ 5 đến 10 phút. Còn về tần suất tắm cho trẻ thì tùy thuộc vào từng đứa trẻ, loại da của bé và việc các bé có thích thời gian tắm hay không.
Hầu hết các bé đều có thể tắm mỗi ngày nhưng ngâm mình hàng ngày là điều không cần thiết. Bé chỉ nên ngâm mình 2-3 lần trong tuần là đủ.
Trẻ bị cứt trâu có thể cần tắm nhiều hơn để rửa sạch vảy. Mặt khác trẻ bị chàm nên tắm ít hơn để giữ cho làn da của trẻ khỏe mạnh nhất có thể.
Diệp An Nhi – Mẹ Tròn Con Vuông